Con Dông, món ăn quê lên hàng đặc sản
Ðặc sản của đồi cát là dông. Dông sống trong hang, sáng tinh mơ ra đồi cát tìm ăn chồi non và uống sương đêm, vì thế mà thịt thơm, săn và ngọt, được xem là một vị thuốc bổ. Thịt dông trắng như thịt gà, mà lại ngọt, bùi và mềm hơn. Xương rất mềm, gần như là sụn. Còn da thì dòn sừng sựt. Tuy nhiên khi chế biến người ta thường lột vứt bỏ vì trông không bắt mắt.
Người Ninh Thuận chế biến 7 món thịt dông: Dông nướng, dông rô ti, dông hấp, chả dông, gỏi dông, cháo dông và dông nấu dưa hồng, món nào cũng ngon. Tuy nhiên, quý bà quý cô có phần ngần ngại khi nhìn những con dông nướng, rô ti hay hấp còn nguyên cả đầu, bốn chân và cái đuôi dài dài. Nhưng đến món gỏi hay chả, khi dông được bằm nhuyễn thì dầu có nhát gan cũng chẳng mấy ai từ chối.
Thật vậy, như với món gỏi dông để nguyên xương được bằm nhỏ, xào chín và trộn với cóc hoặc xoài xắt chỉ, rau thơm, đậu phụng rang dòn, nước mắm pha và đặc biệt phải có lá xào dông, một thứ lá trông giống lá chùm ruột non, sống trên vách đá vùng khô hạn, mùi thơm thoảng vị chát. Gỏi dông ăn với bánh tráng nướng, thứ bánh tráng dày, nhiều mè, nướng vàng rụm, xúc mãi không chán.
Nhưng theo dân sành điệu thì thức ngon nhất trong con dông là mật và trứng. Mật dông có vị béo nhân nhẫn và để lại cái hậu thật ngọt. Trứng dông rất béo, rất bùi mà không ngậy, được xem là một loại sơn hào hải vị.
Thịt dông với hàm lượng đạm cao, giúp bồi bổ sức khỏe đặc biệt là cho người ốm, phụ nữ mới sinh con,…Ngoài ra món ăn này được xem là món nhậu đặc sản của quý ông, giúp tăng cường sức khỏe và sinh lực.
Dông thuộc họ bò sát, có kích thước lớn hơn thằn lằn, chiều dài từ 20-30cm. Từ một loài vật hoang dã được con người đem về nuôi, con dông đã sớm khẳng định được giá trị.
Để chế biến món dông nướng, đầu tiên chúng ta phải chọn những con mập, có kích thước của dông trưởng thành, vì nếu lựa những con nhỏ quá thì thịt dông sẽ rất bở, không ngon. Sau khi lột da dông, vệ sinh sạch sẽ rồi tẩm ướp gia vị.
Chúng ta ướp vào thịt dông hành băm nhuyễn, hạt nêm, tiêu và nước nắm. Nước nắm là thành phần không thể thiếu của món ăn, phải chọn loại nước mắm ngon của địa phương. Chờ khoảng 30 phút cho thịt thấm gia vị. Sau khi nhóm bếp, cho dông lên vỉ nướng. Theo kinh nghiệm thì nên nướng bằng bếp than vì như thế mới toát lên hết hương vị của món ăn.
Trong giai đoạn nướng chúng ta chú ý phải trở đều, không để thịt dông bị cháy khét. Sau khi dông chín vàng hai mặt, chúng ta bày ra đĩa, trang trí cho đẹp mắt. Dông nướng có thể ăn với bánh tráng nướng hoặc ăn với rau sống, bún và bánh tráng cuốn. Cho dông vào bánh tráng, cho thêm tí bún, rau sống cuốn lại rồi chấm nước mắm me thì không gì bằng.
Đối với những người con xa quê, dông nướng là món ăn không thể quên trong ký ức. Dù cho ngày nay người ta có thể tìm thấy dông nướng ở những quán ăn lớn, những quán nhậu khắp mọi nơi, nhưng vẫn không đâu bằng phố biển. Hương vị và cách thức chế biến đã làm nên sự khác biệt giữa món dông nướng Phan Rang với những nơi khác.
Với đặc điểm địa hình có nhiều đồi cát – được ví như thiên đường của loài dông. Với tập quán sinh sống và sinh sản theo mùa nên số lượng dông tự nhiên rất ít. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã xuất hiện nhiều trang trại nuôi dông theo phương pháp thả tự nhiên trên các đồi cát.
Trước đây thịt dông chỉ là món ăn của người dân quê, người dân vùng đất cát hay bắt con dông về nấu canh dưa hồng hoặc nướng mọi (do dông phản xạ rất nhanh, thường cứ nghe tiếng động có bước chân người là lẩn trốn vào các cồn cát, rất khó bắt được; mặc khác do hình thù hơi kỳ lạ nên nhiều người sợ không dám ăn). Thịt dông làm sạch trắng tinh, khi chế biến thịt dông thơm ngon và ngọt hơn thịt gà rất nhiều lần. Dần dần nhiều người biết tới và bắt đầu tìm kiếm thưởng thức món ăn lạ này.
Hiện nay, tới các nhà hàng lớn tại Ninh Thuận chúng ta dễ dàng thưởng thức các món ăn ngon từ con dông. Không những tại địa phương mà con dông đã theo chân thực khách vào các nhà hàng lớn và sang trọng tại các Thành phố lớn trong cả nước.