Đến Phan Rang ăn nho và làm gốm
Đến Phan Rang (Ninh Thuận), nhiều người thường ghé vịnh Vĩnh Hy trong xanh hoang sơ hay Tháp Chàm Poklong Garai uy nghiêm huyền bí. Song, vùng đất đầy nắng gió này cũng có những điểm đến thú vị, đậm tính nhân văn khác để lữ khách tha hồ khám phá.
Làng gốm lâu đời bậc nhất Đông Nam Á
Làng gốm Bàu Trúc là nơi mà ta có thể tận mắt nhìn thấy những người thợ, những người làm nông chăm chỉ lưu giữ cái nghề lẫn nghiệp ở một tỉnh miền Trung còn khó khăn.
Cùng với làng dệt Mỹ Nghiệp, Bàu Trúc được xem là một trong những làng nghề cổ xưa nhất Đông Nam Á và là làng gốm duy nhất ở Việt Nam tạo hình gốm hoàn toàn bằng tay.
Các mẫu gốm rất đẹp mắt hoàn toàn làm bằng tay
Làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10km về phía nam. Toàn ngôi làng có gần 3.000 đồng bào Chăm sinh sống, hầu hết đều gắn bó với nghề gốm từ nhỏ. Vì vậy, những người thợ nơi đây không chỉ điêu luyện về kỹ thuật và kinh nghiệm làm gốm, mà còn mang một tình yêu đặc biệt, thiêng liêng. Bên cạnh đó, làng Bàu Trúc đã được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn nguyên liệu tốt nhất, đó là những khối đất sét mềm dẻo và những hạt cát nhỏ mịn bên bờ sông Quao.
“Thiên thời – địa lợi – nhân hòa” đã làm nên những sản phẩm gốm Bàu Trúc vừa đẹp, bóng mịn, ít rạng nứt lại vừa có hồn vì mang đầy tâm tư tình cảm của người làm ra chúng. Những nghệ nhân lâu năm tại làng gốm nói rằng, màu được phun lên gốm là loại màu được chiết xuất từ trái dông và trái thị trên rừng, giúp gốm Bàu Trúc có những màu sắc mang đậm chất Chămpa như vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu.
Đến Bàu Trúc, bạn cũng có thể tự tay làm ra một sản phẩm dưới sự hướng dẫn tận tình của người dân có nụ cười hiền lành trong làng.
Làng dệt Mỹ Nghiệp
Cách Làng gốm Bàu Trúc không xa là một làng nghề truyền thống nổi tiếng khác: làng dệt Mỹ Nghiệp. Nghề dệt thổ cẩm đã xuất hiện ở làng Mỹ Nghiệp từ rất lâu. Nhưng cũng như làng gốm Bàu Trúc, những nghệ nhân ở Mỹ Nghiệp luôn cố gắng gìn giữ trọn vẹn các bí quyết và quá trình dệt vải mà người xưa truyền lại. Họ dùng những khung gỗ thô sơ để dệt, dùng bông tự trồng để làm vải, và dùng nguyên liệu từ thiên nhiên như cây Chùm Bầu, cây Mo, bùn non, cây Cánh Kiến, cây Chàm,… để làm phẩm nhuộm.
Với bàn tay khéo léo và sự tâm huyết đối với nghề, người dân làng Mỹ Nghiệp đã biến những sợi chỉ mong manh thành những tấm thổ cẩm tinh xảo mà mộc mạc, rực rỡ nhưng vẫn rất tinh tế, tạo nét riêng, mang tính đặc trưng cao.
Thật khó để chỉ chọn mua một món hàng từ làng dệt Mỹ Nghiệp vì sản phẩm ở đây rất đa dạng và đẹp mắt, với khăn, áo choàng, quần áo, cà vạt, túi xách, bóp, ví…
Trang trại nho Ba Mọi
Từ khu vực hai làng nghề trên, bạn đi ngược về hướng ga Tháp Chàm, cách cầu Móng khoảng 400m là Trang trại nho Ba Mọi nổi tiếng.
Vườn nho xanh ươm mơ mởn của nhà chú Ba – Ảnh: Phạm Như Quỳnh
Bạn sẽ được đãi miễn phí sirô hay rượu nho, rồi cả nho tươi hay táo xanh ngay tại trang trại
Khác với 2 làng nghề truyền thống ở trên, nho Ba Mọi chỉ là trang trại nho của một hộ nông dân. Chủ hộ là chú Ba.
Đây là trang trại nho nổi tiếng nhất tỉnh Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung.
Sau khi dùng thử nho và các sản phẩm mang thương hiệu Ba Mọi, tôi theo chân chú Ba và một đoàn khách vào vườn nho tham quan. Và rồi tôi đã mê mẩn khi nghe ông nông dân da ngăm đen với 65 năm tuổi đời và 33 năm tuổi nghề thuyết minh về nho và nghề nho, ông vừa chuyên nghiệp như một hướng dẫn viên du lịch lại vừa uyên bác như một kỹ sư nông nghiệp, giọng nói lại nhẹ nhàng dễ tạo thiện cảm cho người đối diện.
Nếu lần đầu tiên vào vườn nho, bạn sẽ choáng ngợp, thậm chí hét lên vì thích thú với những chùm nho tươi ngon lúc lỉu ngay trên đầu mà chỉ cần quơ tay là có thể hái được cả rổ to. Không chỉ tươi ngon và đẹp mắt, nho Ba Mọi còn luôn đảm bảo an toàn và chất lượng. Từ gần chục năm trước, chú Ba đã dùng phân hữu cơ sinh học thay cho phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để nho được “sạch và xanh”.
Mỗi năm trang trại trồng được 3 vụ nho đen. Nho xanh có mùa vụ dài hơn nên mỗi năm chỉ trồng được 2 vụ. Giá tại vườn của nho đen là 30.000 đồng/kg và nho xanh là 60.000 đồng/kg.
Tin vui là sắp tới, chú Ba định mở mô hình du lịch mới như du lịch trải nghiệm “một ngày ở trang trại nho”, du lịch ẩm thực, du lịch homestay và du lịch sinh thái ngay tại trang trại này.
Dĩ nhiên, sau khi thăm trang trại nho và rinh về vài chục ký (nếu có thể) để tặng bạn bè, bạn cũng đừng quên ghé qua Tháp Chàm gần đó để tham quan cho biết một trong những ngọn tháp Chăm lâu đời nhất miền Trung.
Nếu còn nhiều thời gian, bạn đừng bỏ qua biển Ninh Chữ, một trong những bãi tắm đẹp nhất miền Trung. Vào các quán sát biển, bạn tha hồ ăn hải sản tươi ngon với giá rẻ bất ngờ, hay thưởng thức qua các món ngon đặc trưng của xứ xương rồng như bánh canh, bánh xèo hay bánh căn…
Tháp Chàm ở gần ga và cách trang trại nho Ba Mọi khoảng 3 km – Ảnh: Phạm Như Quỳnh
Bánh xèo
Bánh căn, đặc sản Phan Rang
Biển Ninh Chữ – Ảnh: Phạm Như Quỳnh