Điểm tham quan

Ghé thăm làng gốm Bàu Trúc – Ninh Thuận

Làng gốm Bàu Trúc tọa lạc ven quốc lộ 1A thuộc thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận, nơi đây chính là một trong hai làng gốm lâu đời nhất khu vực Đông Nam Á. Làng gốm Bàu Trúc với những nghệ nhân khéo léo, lành nghề, với những sản phẩm gốm sứ độc đáo luôn thu hút nhiều du khách mỗi khi đặt chân đến du lịch Ninh Chữ.

Làng gốm khang trang nhất

Người dân làng gốm cho biết ông tổ của làng nghề gốm sứ Bàu Trúc chính là Pô Klong Chan. Làng nghề bao gồm khoảng 400 hộ gia đình, tuy nhiên số nghệ nhân không còn nhiều như trước nữa nhưng họ vẫn duy trì nghề tổ truyền này từ đời này sang đời khác.

Làng gốm Bàu Trúc

Có thể nói làng gốm Bàu Trúc chính là một trong những làng gốm khang trang nhất. Đường dẫn vào làng gốm được xây dựng bằng nhựa sạch sẽ, những ngôi nhà hầu hết đều được xây dựng rất kiên cố, khang trang. Đi sâu vào trong làng chính là những hộ gia đình chuyên làm nghề gốm sứ.

Mỗi hộ gia đình làm nghề gốm sứ đều được bố trí khá giống nhau. Bên ngoài sẽ là gian phòng dùng để trưng bày các sản phẩm gốm sứ, gian bên trong sẽ là không gian để tạo hình sản phẩm và nung. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những chiếc bình, chiếc đĩa, cái lu, cái chum… được làm bằng đất sét với những hoa văn tinh xảo, độc đáo.

Nghề gốm sứ không cần bàn xoay

Nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm của làng gốm Bàu Trúc tuyệt đẹp chính là đất sét được lấy từ sông Quao trộn với một ít cát theo tỉ lệ nhất định. Điều đặc biệt ở đây chính là đất sét chỉ được lấy một lần trong năm mà thôi. Mỗi một lần lấy đất sét sẽ được tiến hành trong vòng nửa tháng, số lượng đất lấy được sẽ tùy thuộc vào tay nghề của người lấy đất. Sau đợt lấy đất, các hộ gia đình sẽ mang đất về dự trữ trong nhà và sử dụng dần trong suốt một năm.

Làng gốm Bàu Trúc 2

Đến nay, nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc vẫn áp dụng cách làm gốm của ông cha truyền lại. Đất sét nguyên liệu sẽ được pha với cát, với nước và nhào tất cả chúng lại với nhau đến khi cảm thấy dính với nhau và thật mịn thì sẽ đặt lên bàn.

Nghệ nhân làm gốm sẽ không dùng bàn xoay mà chính những nghệ nhân sẽ chủ động xoay quanh để tạo hình cho sản phẩm. Với cách làm này đòi hỏi người làm phải thật lành nghề, khéo léo để có thể tạo ra những sản phẩm gốm sứ với hình dạng như mong muốn.

Theo kinh nghiem du lich ninh chu, những sản phẩm gốm sứ Bàu Trúc được làm nhiều nhất là những bức phù điêu của phụ nữ Chăm, các vị vua Chăm, hình ảnh của vũ nữ và những vật dụng sử dụng hằng ngày trong đời sống như: đĩa, chum, lu, bình hoa,…

Để gốm sứ nhẵn bóng người ta sẽ dùng chiếc khăn thấm ướt nước để cà nhẵn bề mặt. Còn những hoa văn độc đáo trên bề mặt gốm sứ sẽ được tạo nên bằng cách dùng tay vẽ lên. Những hoa văn được sử dụng trên các sản phẩm gốm sứ luôn gắn liền với đời sống của người Chăm như: hình sóng nước, con thuyền, những bông hoa nhỏ xinh xắn, hình vỏ ốc, vỏ sò…

Một điều đặc biệt nữa bạn có thể thấy tại làng gốm Bàu Trúc này chính là thay vì dùng lò nung những nghệ nhân nơi đây chỉ dùng củi, rơm khô để đốt. Chính màu sắc của lửa đốt đã tạo nên vẻ đẹp màu sắc rất riêng cho gốm sứ Bàu Trúc – màu nâu đỏ, vàng đỏ, đen xám hay đỏ hồng rất tự nhiên. Đây chính là màu sắc mang nét riêng hiếm thấy của dân tộc Chăm.

Du khách đến điểm tham quan làng gốm Bàu Trúc sẽ được tự tay mình làm nên những sản phẩm gốm dễ thương, xinh xắn để trải nghiệm được cảm giác thú vị của nghề gốm sứ.

Thu Thủy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *