2 làng nghề truyền thống của người Chăm Ninh Thuận
Làng gốm Bàu Trúc hay làng dệt Mỹ Nghiệp là 2 làng nghề truyền thống độc đáo nhất ở Ninh Thuận mà bạn có thể tìm hiểu, khám phá về dân tộc đặc sắc này.
Làng gốm Bàu Trúc
Làng gốm Bàu Trúc nằm trên quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10km về hướng nam. Đây là một trong hai làng gốm có tuổi đời lớn nhất Đông Nam Á. Điều đặc biệt của làng gốm Bàu Trúc là những thợ làm gốm đều là nữ giới. Bởi thế nên, nhiều bé gái 6, 7 tuổi đã thông thạo chế tác các sản phẩm gốm hơn 1 ông lão đã ngoài 80.
Những nghệ nhân làm gốm không dùng bàn xoay mà chỉ dùng tay để tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Do đó, đường nét của sản phẩm dù không mềm mại, nhẵn mịn nhưng cũng rất có hồn và kỳ công. Ảnh: Linh San.
Các họa tiết, hoa văn trên gốm không được điêu khắc hay chạm trổ tinh tế mà những họa tiết này đơn giản được làm từ những vật dụng hàng ngày như muỗng, nắp chai, bánh xe đồ chơi trẻ em, vỏ sò, hoa văn thực vật, móng tay…. Bên cạnh nét đơn sơ, giản dị, các sản phẩm gốm còn thể hiện được sự gắn kết trong của vạn vật trong cuộc sống. Ảnh: Linh San.
Các sản phẩm gốm sau khi nặn xong, được đem đi nung ở nhiệt độ khoảng từ 500-600 độ C trong vòng 6 giờ. Sau đó, chúng được lấy ra và phun màu, rồi tiếp tục nung trong 2 giờ để tạo thành 1 sản phẩm hoàn chỉnh. Với màu sắc tự nhiên và đơn điệu, nên phần lớn gốm Bàu Trúc chỉ có các màu đơn giản như vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu. Ảnh: Linh San.
Làng Chăm Mỹ Nghiệp
Đến làng nghề Mỹ Nghiệp, đây là một trong những làng dệt thổ cẩm nổi tiếng nhất Ninh Thuận từ bao đời nay. Đến đây, bạn sẽ được tham quan làng nghề từ A đến Z với các công đoạn quan trọng như lấy bông, se chỉ, dệt vải và bày bán các sản phẩm. các công đoạn đều được người thợ chăm chút rất cẩn thận và tỉ mỉ. Nhìn đôi tay thoăn thoắt của các cô gái chăm và tấm vải với hoa văn tinh xảo đang dần hình thành bạn sẽ rất đỗi ngạc nhiên đấy nhé. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN.
Làng Chăm Mỹ Nghiệp hay còn gọi là làng Chăm Irahani thuộc huyện Ninh Phước, nằm cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 10km về phía nam theo Quốc lộ 1A.
Theo truyền thuyết, vào thế kỷ 17, bà Pơnaga đến đây, thấy vùng đất này thích hợp với nghề dệt nên đã truyền nghề cho hai vợ chồng ông Xa và bà Chaleng. Bà cũng chính là nghệ nhân đầu tiên khởi xướng nghề dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp. Ảnh: Phanrangninhthuan.
Để hội nhập và phát triển, làng nghề đã đầu tư thêm những chiếc máy dệt cho năng suất cao thay vì dệt theo phương pháp thủ công. Các hoa văn, họa tiết cũng đa dạng và phong phú hơn nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch gần xa. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN.
Theo Zing.vn