Suối Lồ Ồ ở Vĩnh Hy
Suối Lồ Ồ thuộc xã Vĩnh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận). Nằm phía Đông Bắc thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận), suối Lồ Ồ thuộc hệ sinh thái Vườn quốc gia Núi Chúa. Trước khi đến suối, du khách vượt qua con đèo đẹp đến nao lòng, có nhiều đoạn nhìn thấy đại dương xanh biếc màu nước biển và những bãi cát thoai thoải.
Qua cây cầu treo đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số miền Trung, leo lên con dốc vài nơi gập ghềnh đất đá, tiếp đến là con đường tráng xi măng rộng khoảng 2m tới thôn Cầu Gãy – nơi ở của đồng bào dân tộc Raglay.
Bà con Raglay có khoảng 200 người sống trong những căn nhà đơn sơ nép mình trong bóng mát những cây điều cùng một số cây ăn trái khác. Đồng bào sống chủ yếu bằng việc thu hái cây thuốc, lá nón, sâm nam, song mây…; từ tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch, họ hái trái trám, treo, da đá, dâu… trong rừng.
Con đường xi măng ngược dốc đưa du khách đi xuyên hai bên cánh rừng vùng đệm của Vườn quốc gia Núi Chúa. Vườn quốc gia Núi Chúa có diện tích tự nhiên 29.865 ha, trong đó diện tích trên đất liền 22.513 ha, nằm gần cuối dãy Trường Sơn và vùng Đông Nam Bộ (trước đây là Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa).
Phân bổ trên phức hệ núi nằm sát bờ biển tạo nên một thắng cảnh đẹp hiếm có vùng ven biển với 18 bãi biển có cảnh quan rừng như: Bình Tiên, Vĩnh Hy, Thái An, Rạng, Thùng…
Ninh Thuận được xem như là “sa mạc” của Việt Nam do nằm khuất ngọn gió gây mưa chính, nên rất hiếm mưa, có những bình nguyên cát. Nhưng điều đặc biệt là xứ này lại có rừng nguyên sinh.
Càng đi lên, du khách càng nghe tiếng ve rền rỉ. Tiếp đó sẽ thấy những tán cây cao chừng 20 – 23m, to 2 – 3 người ôm. Đã không còn không khí nóng bức mà là không khí mát mẻ. Du khách nghe tiếng nước chảy róc rách ở phía trước. Vượt qua những tảng đá chông chênh chắn đường, trong chốc lát du khách đã đối diện với suối Lồ Ồ.
Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, trong những đêm trăng thanh gió mát, có một nàng tiên thường đến tắm giữa vùng Vịnh Vĩnh Hy. Có một chàng ngư phủ giăng câu trên Vũng Găng (tên gọi Vĩnh Hy xưa) vài lần nhìn thấy nàng tắm, lòng xao xuyến trước sắc đẹp mê hồn của nàng.
Một đêm trăng kia, không kềm chế được lòng mình, anh ngư phủ bất thần xuất hiện trước nàng tiên. Từ đó hai người gắn kết duyên phận, nàng tiên ở lại trần gian.
Một đêm tối trời nọ, anh ngư phủ dong thuyền đánh cá vùng Đá Vách, gặp một cơn giông lớn nổi lên, không trở về. Nàng tiên lên núi Chúa mòn mỏi đợi chờ, dòng nước mắt của nàng tuôn chảy khôn nguôi, tạo thành dòng suối Lồ Ồ ngày nay.
Suối Lồ Ồ ẩn mình trong những tán cây rừng cao ngút mắt được tạo thành nhiều bậc, mỗi bậc cao độ 5m với những tảng đá to. Có những tảng đá to được gọi là những “chiếc giường đá” và “bàn đá”. Đây là nơi khách rất thích thú nằm lên thư giãn để hơi đá hoa cương mát lạnh thấm vào người.
Dòng suối trong vắt được tạo bởi các dòng thác độ cao 5m kết hợp nên, là điểm nghỉ ngơi sinh thái lý tưởng cho du khách, bởi nơi đây đã được tạo hóa ban tặng cho “những chiếc giường”, “bàn đá” Hoa Cương mát lạnh mà hang trăm năm nước và thiên nhiên đã gọt giũa cho con người, sau những khoảnh khắc tắm mát thả chân đong đưa dưới làn nước mát, du khách sẽ có cảm nhận làn da mình mềm mại hơn, mịn màng hơn như được tắm qua thảo dược. Quây tụ dưới những bàn đá này để cùng nhau nướng và hấp bằng nguồn nước suối trong vắt và thưởng thức những món hải sản tươi vừa mua của người dân địa phương, tráng miệng bằng trái cây rừng hoặc đã mua chuẩn bị trước rồi ngã lưng dưới chân núi Lồ Ồ nằm nghỉ nghe hướng dẫn viên kể truyền thuyết du khách sẽ cảm nhận như đang được sống trong không gian của những câu chuyện cổ tích, trên cao là suối nước trong lành trên nền xanh mát của cây rừng, thế núi thì mềm mại như thiếu nữ đang thả hồn đùa giỡn giữa thiên nhiên. Tất cả thác nước, chim rừng, tiếng lá cây như đã hiểu hết ngôn ngữ giao cảm cùng nhau tạo nên bản tình ca nhẹ nhàng sâu lắng đưa con người vào giấc ngủ trưa ngon lành.
Ngồi lên một tảng đá, thả chân xuống suối, khách cảm nhận làn nước mát lạnh ngấm vào da thịt rất thú vị, càng thêm sảng khoái nếu thả mình ngâm trong suối. Nước suối trườn qua người như massage làm cho người ta khoan khoái. Sau những phút giây ngắm cảnh, ngâm suối, mọi người quây quần bên chiếc “bàn đá” thưởng thức hải sản mang theo.
Nếu có dịp ngủ lại một đêm nơi đây: nằm đung đưa trên cánh võng nghe tiếng suối reo hòa cùng tiếng chim hót líu lo, trong ánh lửa bập bùng của những cành cây khô chụm lại tỏa hơi ấm sảng khoái là cảm giác thú vị hiếm có trong đời.