Lang thang trên biển Ninh Chữ
Một eo biển cong như trăng non với bãi tắm lượn dài, đó là Ninh Chữ, “ngoại ô” Phan Rang. Người ta bảo vùng này gió như phan, nắng như rang, nên biển thật quý.
Hướng gió và hướng sóng tự nhiên làm cái bãi biển sừng trăng phía Nam sạch đẹp hơn. Các resort, khách sạn lớn đều nằm ở phía này. Cái sừng trăng đối diện, là xóm du lịch bụi, nhưng mọi thứ đều ngon bổ rẻ.
Bình minh trên biển Ninh Chữ
Vài chục cái quán đơn giản chống cọc cây, mái tôn mái lá che ghế bố là thành resort bình dân. Quẹo đại vào cái quán đầu xóm có tên là Mười Rum rồi sau này thấy may mắn. Cái quán trơ trọi này thoạt đầu có vẻ không khác những quán khác, hóa ra hay.
Bà đầu bếp tên Thà, còn khá trẻ, từng học nấu ăn ở trường du lịch nào đó ở Sài Gòn, nên nấu rất ngon, lại có cách trình bày bắt mắt. Chồng bà, tên là Lý, một “thợ biển”, lúc rảnh quanh quanh phụ việc. Ông Lý rành các loại hải sản, giới thiệu những cái tên nghe lạ hoắc: Tai Trâu, Hải sâm đen, các loại cá, mực nghe cũng lạ nữa. Khách muốn ăn loại nào, chủ quán kêu mấy người em, người cháu leo lên thúng, bơi ra ngút tầm mắt, lặn xuống, bắt lên, tươi roi rói.
Mười Rum, như tên quán, là cậu của ông bà chủ quán. Ông Mười này, người Bến Tre, đi bộ đội rồi kết một cô gái vùng biển này mà định cư luôn. Ông còn phải lo nhiệm vụ làm an ninh xã, giữ gìn trật tự xóm du lịch bụi này. Nghe khách nói muốn tham quan, ông xung phong làm luôn hướng dẫn viên, lại còn gọi thêm ông anh bên vợ, tên Năm, tuổi đã gần bảy chục, người địa phương gốc, cùng giúp cho chắc.
Hai anh em ông Mười và ông Năm sáng hôm sau xách xe máy làm hướng dẫn rất nhiệt tình lại miễn phí. Nào vào làng dân tộc, nào thăm danh lam thắng cảnh, lịch sử, nào thăm công nghiệp làm muối, du lịch… đi đến đâu kể vanh vách, hỏi gì biết nấy.
Đá mặt quỷ
Các địa danh ở đây có rất nhiều chữ Cà: Cà Ná, Cà Đú… Cà là núi. Núi không cao, chen những bụi cây xanh và đá, cát. Vùng Ninh Hải như một cái vũng kẹp giữa hai quả núi và nối đuôi ra Ninh Chữ. Trên quả núi phía biển có hòn đá với những vết sẹo trắng tự nhiên, dân gian gọi là đá mặt quỷ. Trên quả núi phía đường quốc lộ là hòn đá tự nhiên hình con dao. Từ lâu đời, dân vùng này truyền nhau câu: Mặt quỷ kỵ đá dao.
Nhưng rồi cũng rất tự nhiên, hòn đá dao nằm trên sườn núi nơi có đền Khổng Tử, bỗng đổ gục, còn đá mặt quỷ vẫn trơ trơ. Chuyện cũng lâu rồi. Nay dân vùng núi đá này lại đang mừng thầm truyền nhau về hòn đá dao đang mọc lại.
Đá mọc? Có bịa không đấy? Ông Năm và ông Mười cả quyết đá mọc được và dẫn khách tới tận nơi. Khoát tay chỉ lên một phiến đá nhu nhú cạnh hòn dao đã đổ gục, hai ông bảo: dân nơi đây tin là đá mọc được, đấy đấy, thấy nó nhú lên rồi đấy.
Đền Khổng Tử tại Ninh Chữ
Người ta đến Ninh Chữ để tắm biển, đến Phan Rang để thăm các tháp Chàm cổ kính với những làng nghề dân tộc. Nghe nói ở vùng này còn sót lại một vài kiến trúc của người Chăm, tường đất dày với những ô cửa tò vò.
Chiều đến trên bãi biển Ninh Chữ, hầu như cả làng kéo nhau ra tắm. Dân làng bảo họ chắc khỏe, là nhờ tắm biển, như một vị thuốc bổ truyền đời. Trẻ con nô đùa, thoải mái vật lộn với sóng gió, người lớn tranh thủ xả hơi sau mỗi ngày vất vả.
Hai ông bà già cô đơn, tên Chín, hằng ngày khất thực cả ba buổi dọc bờ biển. Cô gái bán đậu phộng kể ông bà ấy chẳng có gì, dân làng xúm lại dựng cho túp lều lá dừa. Đừng đưa tiền cho bà, vì bà ấy không còn biết gì, đưa cho ông ấy thôi. Nhưng bà hơn ông là còn nhìn được. Ông già lòa mắt, cười nheo. Ông phải dựa vào bà dẫn đường. Họ còn hai trái tim vàng dựa vào nhau lúc xế chiều, trong túp lều của bà con giúp đỡ…
Du khách tắm biển, ăn nhậu ì xèo từ sáng sớm đến đêm khuya. Một cô gái trẻ cần mẫn kéo sợi dây buộc cục nam châm lê ven các quán. Đó là cách thu lượm nắp bia. Được bao nhiêu tiền? Chả bao nhiêu cả! Nhưng cô ấy vẫn đều đặn, nhẫn nại…
Cay cay mắt sực nhớ tới vài người “man man” trên quốc lộ đạp xe kéo cục nam châm chống chọi nạn rải đinh. Môi trường, tệ nạn được làm sạch như thế bởi những người không giàu.